Trẻ sơ sinh nằm võng có tốt không? Sự thật sẽ được bật mí!

  • 16/03/2022
  • 738

Nhiều người lớn tuổi thường khuyên bạn nên cho trẻ sơ sinh nằm võng vì họ đã từng chăm con như vậy và không gặp vấn đề gì mà con lại được ngon giấc. Một số người khác còn cho rằng ngủ trên võng giúp đầu bé tròn, đẹp và tránh được hội chứng đầu bẹt. Liệu có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng hay không? 

Có hai báo cáo về trẻ sơ sinh bị tử vong khi ngủ trên võng. Điều này đã gây lo ngại về sự an toàn của vật dụng này với trẻ sơ sinh. Do đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Auckland, New Zealand đã tiến hành một nghiên cứu kiểm tra trẻ sơ sinh nằm võng khi ngủ có ảnh hưởng đến lượng oxy mà trẻ tiếp nhận hay không, vì ở độ tuổi này trẻ có nguy cơ đột tử cao.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tư thế ngủ võng không làm ảnh hưởng đến đường hô hấp trên của trẻ sơ sinh đang ngủ. Thời gian ngủ của bé trên võng ngắn hay dài cũng không thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, những phát hiện này không được áp dụng cho tất cả các loại võng, cũng như cho trẻ lớn hơn, đặc biệt là khi trẻ có thể lăn. Khi trẻ lăn, bạn không cho trẻ ngủ võng nếu không được giám sát.

1. Trẻ sơ sinh nằm võng được không? Ưu, nhược điểm khi cho trẻ sơ sinh nằm võng

Để trả lời cho câu hỏi: “Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng?”, chúng ta cùng điểm qua 1 số ưu, nhược điểm khi cho trẻ nằm võng nhé!

 

a. Ưu điểm

Lúc trẻ sơ sinh nằm võng, võng có thể ôm trọn bé như thể bé được bao bọc lại. Điều này giúp bé cảm thấy an toàn hơn. Mặt khác, chuyển động đung đưa của võng giúp bé cảm thấy như đang còn trong tử cung của mẹ nên sẽ yên tâm và làm dịu em bé, đặc biệt là trong những tuần đầu đời. Điều này tạo một môi trường thoải mái và ấm cúng cho trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn.

b. Nhược điểm

Bên cạnh mặt lợi, trẻ sơ sinh nằm võng cũng tồn tại những hạn chế như:

- Gặp hội chứng rung lắc: Hội chứng rung lắc thường xảy ra nhiều đối với những trẻ dưới 2 tuổi, gây ra những hệ quả nghiêm trọng khi trẻ lớn lên. Đây có thể được ví như mức độ nguy hiểm tương tự như khi người lớn gặp tai nạn chấn thương sọ não. Cụ thể, trẻ có thể phải trải qua cảm giác không mấy dễ chịu khi bị rung lắc quá mạnh trên võng. Điều này sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển trí não của trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ dễ bị động kinh.

- Tác động xấu đến cột sống và lồng ngực: Trẻ sơ sinh nằm võng được không? Có khiến cột sống của trẻ bị biến dạng? Khi cho trẻ sơ sinh nằm võng, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi hình dáng của võng. Đặc biệt, cần hết sức lưu ý, vì trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn hình thành cấu trúc xương, việc cho trẻ sơ sinh nằm võng có thể khiến cột sống của trẻ bị cong vẹo khi lớn lên. Về lâu dài, trẻ sẽ dễ bị gù lưng, cổ gập và khung người bị cong xuống. Ngoài ra, cho trẻ thường xuyên nằm võng thậm chí có thể khiến bé bị móp hộp sọ.

- Gây ức chế thần kinh: Ức chế thần kinh sẽ khiến cho các cơ quan thần kinh của trẻ cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến trẻ cảm thấy lo sợ kể cả khi đã chìm vào giấc ngủ. Nếu mẹ bế trẻ ra khỏi võng thì trẻ sẽ bị giật mình và quấy khóc, và điều này nếu kéo dài sẽ gây những ảnh hưởng không tốt lên não của trẻ.

- Thần kinh vận động kém phát triển: Điểm mấu chốt của tình trạng thần kinh vận động kém phát triển đó chính là gây ra sự trì trệ của phát triển thần kinh. Khi nằm võng trong thời gian dài, trẻ sẽ bị hạn chế các tác động như: trườn, bò, lật… dẫn đến việc bé sẽ ngày càng trở nên ù lì. Bên cạnh đó, nằm võng liên tục có thể khiến cho tay, chân, đầu, cổ khi bé cử động sẽ rất khó khi bị không gian võng giới hạn chuyển động. Dẫn đến hiện tượng tụ máu và gây ra sự chậm phát triển não bộ, khiến trẻ khó có thể tiếp thu về sau này.

- Ảnh hưởng xấu đến cơ bắp: Khi nằm võng, các hoạt động co duỗi của trẻ sẽ không còn được thoải mái. Từ đó, dẫn đến việc hạn chế khả năng tăng sinh và nở nang cơ bắp của trẻ, cũng như khả năng lưu thông máu, và điều này sẽ dễ khiến trẻ chậm phát triển hơn bình thường.

- Bé bị phụ thuộc vào võng: Bé có thể quen với chuyển động đung đưa của võng. Với những trẻ khó ngủ, việc đung đưa này giúp bé ngủ ngon. Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyên không nên cho bé ngủ có sự chuyển động đung đưa hay rung lắc ngay từ những ngày đầu tiên. Khi cho bé ngủ trên võng có đung đưa, bé sẽ trở nên phụ thuộc vào nó. Nếu không có võng, sẽ dẫn đến tình trạng trẻ khó ngủ. Đến khi trẻ lớn, bạn lại mất thời gian để tập cho bé không ngủ võng nữa.

- Nguy cơ bị té ngã và khó thở: Bạn chỉ có thể cho trẻ sơ sinh nằm võng đến khi trẻ biết lật. Đa số các bé biết lăn lộn khi được 3 tháng tuổi. Bé có thể lăn sang một bên nhưng lại khó lật ngửa lại. Điều này có thể nguy hiểm hoặc thậm chí gây tử vong vì hơi thở của bé có thể bị tắc nghẽn.

- Bé bị nóng: Một số loại vải có thể không thoáng khí, có thể làm bé quá nóng dễ nổi rôm sẩy.

2. Những mối nguy tiềm ẩn khi cho trẻ sơ sinh nằm võng

 

Ở Úc, một chiếc cũi được bán ra phải đáp ứng toàn bộ các thử nghiệm an toàn cho trẻ sơ sinh. Còn võng trẻ em không được áp dụng những kiểm tra an toàn này. Vì vậy, bạn không nên cho trẻ sơ sinh nằm võng vì những lý do sau:

- Trẻ có thể lăn sang một bên, mặt áp vào võng khiến trẻ không thể thở được

- Nằm trong một chiếc cũi, bé sẽ nằm thẳng. Tuy nhiên, nằm trên võng, lưng bé sẽ cong, đẩy cằm của bé về phía ngực khiến bé khó thở. Điều này gây nguy hiểm cho trẻ, thậm chí có thể tử vong

- Em bé lớn có thể lăn qua võng, rơi xuống đất và bị thương

- Trẻ bị mắc kẹt, nghẹt thở với những sợi dây hay phụ kiện của võng.

Vì những lý do này, các chuyên gia y tế khuyên bạn không nên cho trẻ sơ sinh nằm võng, trừ khi bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng võng cho trẻ sơ sinh vì lý do đặc biệt nào đó.

3. Những điều cần lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm võng

Bạn hãy ghi nhớ những điều sau:

- Đảm bảo bé luôn an toàn trong khi ngủ. Chú ý đến các yếu tố làm giảm nguy cơ Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)

- Luôn đặt bé vào võng ở tư thế ngửa, không đặt bé nằm sấp hoặc nghiêng

- Kiểm tra xem khung võng có đủ khả năng đỡ bé không. Một số công ty sản xuất võng có thể cung cấp chỉ số về trọng lượng và chiều cao tối đa của người nằm trên võng. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng lại một chiếc võng cũ của người bạn, người thân cho hoặc của đứa con đầu lòng, hãy kiểm tra nó có bị rách, sờn ở bất cứ vị trí nào hay không

- Không đặt bất kỳ gối, chăn hoặc đồ chơi mềm vào trong võng vì chúng có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ và quá nóng

- Trẻ sơ sinh nằm võng, mẹ nên chọn loại vải của võng thoáng mát, dễ tháo và giặt

- Không treo bất kỳ phụ kiện như chuông kim loại nhỏ, tua rua nhiều màu sắc, ruy băng hoặc đồ chơi vì chúng có nguy cơ gây nghẹt thở và siết cổ bé

- Không cho anh chị lớn của bé đung đưa võng vì vô tình trẻ dùng nhiều lực có thể làm văng trẻ sơ sinh ra khỏi võng

- Không cho phép anh chị lớn trèo vào võng em bé. Trẻ nhỏ có thể thích vào võng nằm cùng em nhưng trẻ không biết giữ thăng bằng và có thể gây nguy hiểm cho em bé

 

- Luôn đảm bảo chiếc võng được treo ở một nơi chắc chắn, an toàn và cân bằng. Kiểm tra các dây buộc thường xuyên vì việc đung đưa võng liên tục có thể làm lỏng các nút thắt và sờn sợi dây buộc võng

- Đảm bảo rằng bạn có thể quan sát được bé mọi lúc

- Để đảm bảo an toàn cho con, bạn có thể đặt dưới võng một tấm đệm. Nếu bé bị rơi ra ngoài, bé cũng đỡ bị đau hơn

- Nếu phải đi làm, bạn nhờ người thân trông bé ngủ trong khi bạn đi vắng. Hướng dẫn người thân thật kỹ để bé được an toàn.

- Thường xuyên giặt giũ võng sạch sẽ là cách để hạn chế bụi bẩn bám trên võng, ảnh hưởng xấu đến tình trạng da của bé. Một số nguyên nhân về da liễu trẻ có thể mắc phải như: dị ứng da, mề đay,…

- Nếu nhà bạn không có cũi, vậy nên cho trẻ mấy tháng được nằm võng? Câu trả lời là chỉ nên cho trẻ từ 3 tháng trở lên nằm võng. Và đặc biệt, trẻ chỉ nên được nằm võng vào giấc ngủ ngắn ban ngày hay những giấc ngủ trưa, tránh việc để trẻ sơ sinh nằm võng qua đêm bạn nhé!

Một số cha mẹ lo lắng rằng khi nằm võng, cột sống của bé có thể bị cong. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để chứng minh lý thuyết này. Trẻ sơ sinh nên nằm ngửa trên bề mặt phẳng để ngủ, vì lưng bé cong có thể ảnh hưởng đến hơi thở của bé.

4. Trẻ nên ngủ ở đâu thì an toàn?

Các chuyên gia khuyên rằng an toàn nhất là cho bé nằm ngủ trên bề mặt chắc chắn. Tốt nhất, bạn đặt bé vào một chiếc cũi riêng, cho bé ngủ chung với cha mẹ trong vòng 6 tháng đầu.

Bình luận
Facebook Zalo phone