Khám và theo dõi thai nghén định kỳ

Theo dõi thai nghén là công việc có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và thai nhi. Qua những lần khám thai định kì,  bác sĩ có thể nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi để tiên lượng và chuẩn bị tốt cho lúc sinh nở, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ và giảm tối đa những tai biến sản khoa. Ngoài ra, việc theo dõi thai nghén đầy đủ giúp bà mẹ có thêm nhiều kiến thức về vệ sinh thai nghén, chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Việc theo dõi thai nghén phải được thực hiện đầy đủ nội dung và phải ghi lại lịch sử tất cả những lần khám vào sổ khám và phiếu theo dõi. Những nội dung quan trọng trong theo dõi thai nghén bao gồm: Tư vấn, khám sản khoa, siêu âm, xét nghiệm, tiêm chủng, ghi sổ theo dõi, tư vấn dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được đầy đủ nên việc đăng ký theo dõi thai sớm ngay từ khi có dấu hiệu mang thai là việc làm vô cùng quan trọng.

1.Tư vấn trong theo dõi thai nghén

Tư vấn có một vai trò hết sức quan trọng trong quản lý thai nghén. Cần phải thực hiện tư vấn ngay từ khi có dấu hiệu mang thai, trong quá trình mang thai, trước, trong và sau khi sinh. Tư vấn giúp sản phụ nắm được những kiến thức để tự chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai, vệ sinh thai nghén để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, an toàn. Ngoài ra tư vấn giúp sản phụ yên tâm trải qua quá trình sinh nở dễ dàng nhất và biết cách phục hồi sức khỏe sau quá trình sinh nở.

2. Khám sản khoa

Khám thai là việc làm không thể thiếu trong quản lý thai nghén. Thông qua hỏi bệnh và khám trực tiếp bác sĩ có thể phát hiện các yếu tố nguy cơ, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh… từ đó lên kế hoạch quản lý thai nghén, hướng dẫn sản phụ chăm sóc, vệ sinh thai nghén và chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi tránh tai biến cho mẹ và thai nhi.

3. Xét nghiệm

Xét nghiệm là phương pháp vô cùng hữu hiệu trong việc phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể khi mang thai và những dị dạng của thai. Vì vậy trong quá trình mang thai nhất định phải thực hiện xét nghiệm để tiên lượng mọi yếu tố nguy cơ và chuẩn bị cho cuộc đẻ tốt nhất.

-  Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm đánh giá tổng quát nhất các vấn đề về máu ở người mẹ. Các chỉ số Hồng cầu đánh giá tình trạng thiếu máu của thai phụ. Ở thai phụ thường bị thiếu máu nhược sắc vì cơ thể mẹ phải quy tụ sắt để nuôi bào thai.Thiếu máu ở phụ nữ khi mang thai nếu nhẹ thì không có vấn đề gì nhưng nặng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ. Hơn thế nữa, mẹ thiếu máu dễ sinh con thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai và tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Đặc biệt, con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.  Các chỉ số Bạch cầu: Thể hiện khả năng đáp ứng của mẹ với nhiễm trùng. Chỉ số tiểu cầu cho biết khả năng cầm máu và chống chảy máu bà mẹ. Với phụ nữ trong thời kỳ thai nghén giảm số lượng hay chức năng của tiểu cầu cần được lưu ý, bởi vì các nguy cơ chảy máu có thể xảy ra và đặc biệt là lúc sinh đẻ.

- Xét nghiệm nhóm máu:  Định nhóm máu  ABO và yếu tố Rhesus cần được xác định trong lần khám thai đầu tiên. Việc định nhóm máu rất quan trọng trong việc loại trừ các yếu tố nguy cơ và dự trù máu trong cuộc sinh đẻ. Đặc biệt ở bà mẹ mang Rh (-) cần được tư vấn kỹ lưỡng tại các chuyên khoa huyết học và chủ động phòng bệnh bằng cách truyền Anti-D, bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con khi sinh bởi mẹ mang Rh(-) có nguy cơ gây bất đồng nhóm máu với thai nhi, có thể dẫn đến thiếu máu tán huyết, vàng da, suy gan, suy tim nặng sau sinh.

Xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng các cơ quan cơ bản:

– Chức năng gan: men gan (GOT,GPT), bilirubin.

– Chức năng thận: ure, creatinine, axit uric.

– Protein máu. Calci máu…

– Điện giải: Na, K, Cl.

Xét nghiệm máu chảy máu đông để đánh giá chức năng đông máu của thai phụ, tránh trường hợp có bệnh lý rối loạn đông chảy máu khiến cho băng huyết sau sinh, nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Xét nghiệm này nên được thực hiện ở lần khám thai tuần 32 để đảm bảo rằng chức năng đông máu của thai phụ hoàn toàn bình thường.

Xét nghiệm miễn dịch: HIV, viêm gan B. Xét nghiệm này cần được thực hiện ngay khi phát hiện có thai.

Việt Nam là nước có tỉ lệ người nhiễm viêm gan B cao so với thế giới, chiếm khoảng 15%- 20% dân số. Điều đáng nói là có tới 90% – 95% mẹ bị nhiễm virut viêm gan B lây sang con nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Nếu mẹ xét nghiệm có mang virus viêm gan B mãn tính sau sinh bé sẽ được tiêm phòng vaccine viêm gan B (miễn phí theo chương trình TCMR) và chỉ định tiêm 1 liều huyết thanh kháng virus viêm gan B (ImmunoHBs 180 UI) giúp ngăn sự lây truyền từ mẹ sang con tới 99%.

Xét nghiêm máu tìm kháng nguyên với các bệnh: Rubella, Giang mai, Toxoplasma, CMV

Bệnh Toxoplasma gondii (một loại đơn bào ký sinh ở mèo) cũng khiến cho gần 5.000 thai phụ VN bị nhiễm mỗi năm. Đây là loại ký sinh trùng phổ biến nhất, lây từ động vật sang người thông qua thực phẩm, nước uống bị nhiễm khuẩn. Ký sinh này có thể tàn phá nghiêm trọng bào thai: 5-10% sẩy thai, 8-10% trẻ sơ sinh bị tổn thương mắt, có thể kèm theo tổn thương não rất nghiêm trọng, 10-13% trẻ sơ sinh bị tổn thương thị giác.

Với bệnh Rubella còn gọi là sởi Đức, nguy hiểm nhất là mắc Rubella trong ba tháng đầu thai kỳ sẽ khiến 90% trẻ có thể bị mù lòa, điếc, bệnh tim mạch, chậm phát triển trí tuệ, sẩy thai cao. Với bệnh giang mai, trong số những bà mẹ mắc bệnh giai đoạn sớm của thai kỳ, nếu không điều trị, 40% trường hợp bị sẩy thai. Còn nếu mắc Cytomegalovirus (một loại virus phổ biến trên toàn cầu, lây chủ yếu qua đường tình dục), sẽ khiến cho 10% trẻ sơ sinh bị biến chứng về sau, trong đó có 80-90% trẻ bị dị tật nặng như: mất thính giác, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ.

4. Tổng phân tích nước tiểu

Đây là một xét nghiệm thường quy được chỉ định trong mỗi lần khám thai, nhằm phát hiện ra các bệnh lý về thận, nhiễm trùng đường tiết niệu (hay xảy ra ở phụ nữ có thai), phát hiện nguy cơ tiền sản giật và bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nghiệm pháp dung nạp đường huyết được chỉ định khi thai phụ béo phì, tăng cân nhanh, gia đình trực hệ đái tháo đường, tiền căn bản thân sinh con to, thai dị tật hoặc thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, đường niệu dương tính, đường huyết lúc đói > 5,3 mmol/L. Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Người mẹ có nguy cơ phải mổ lấy thai; dễ bị tăng huyết áp, phù; trở thành bệnh nhân đái tháo đường, thai chết lưu. Trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh (cao gấp 8 lần bình thường), hoặc mắc các bệnh vàng da kéo dài, hạ canxi máu, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…

5. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh:

Đây là các xét nghiệm cực kỳ quan trọng để đánh giá sự phát triển bình thường của thai và nguy cơ dị dạng thai. 2 xét nghiệm thường được sử dụng là Double test (được thực hiện ở tuần thứ 11- <14 của thai) và xét nghiệm Tripble test (được thực hiện ở tuần 15-22 của thai). Ngoài ra còn xét nghiệm dịch ối nếu có yếu tố nguy cơ cao được phát hiện qua việc kết hợp các phương pháp khác.

6. Siêu âm

Siêu âm là kỹ thuật được sử dụng rất nhiều trong sản khoa bởi không gây ảnh hưởng cho thai. Ngoài việc phát hiện các bệnh lý ở thai phụ thì siêu âm định kỳ đặc biệt là các mốc quan trọng còn đánh giá, phát hiện cực kỳ chính xác các dị dạng của thai nhi. Ngày nay với công nghệ ngày càng phát triển đã có những thiết bị siêu âm hiện đại cho hình ảnh rõ nét từ đó bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn phù hợp và kịp thời nhất.

– Siêu âm thường: là chỉ định được làm nhiều nhất trong quản lý thai nghén. Siêu âm giúp xác định kích thước thai, theo dõi sự phát triển của thai, lượng nước ối, vị trí bám nhau…..

– Siêu âm hình thái thai nhi để phát hiện các dị tật thai nhi, các khiếm khuyết không thể sửa chữa sau sinh giúp cho sàng lọc trước sinh thực hiện tốt, đảm bảo một em bé khỏe mạnh được ra đời.

– Siêu âm Dopler màu tim nhằm phát hiện các bệnh lý tim mạch như hở hẹp van 2 lá, thiếu máu cơ tim … do khi mang thai cơ thể mẹ phải tăng gánh nặng lên tuần hoàn vì vậy việc thăm khám cẩn thận tình trạng tim mạch và đánh giá khả năng gắng sức là hết sức quan trọng để xác định khả năng dung nạp của bệnh nhân với những thay đổi về huyết động trong quá trình mang thai và nguy cơ bị biến chứng trong thời kỳ chuyển dạ và đẻ.

7. Monitoring sản khoa

Monitoring sản khoa ghi lại đồng thời nhịp tim thai và hoạt động cơ tử cung. Các bác sỹ sẽ đánh giá các đặc điểm của nhịp tim thai và khả năng chịu đựng của thai nhi khi có cơn co tử cung để phát hiện các bất thường trong quá trình theo dõi chuyển dạ nhằm can thiệp kịp thời và cần thiết cho mẹ và thai.

Thấu hiểu tầm quan trọng của việc khám thai, khoa Phụ Sản – Khu khám…… đã triển khai dịch vụ quản lý thai nghén với kế hoạch cụ thể cho các sản phụ để giúp cho mẹ bầu và gia đình giải tỏa hoàn toàn nỗi băn khoăn trong suốt thời kỳ mang thai.

 

Tuổi thai

Lịch hẹn tái khám

Các xét nghiệm cần làm trong quí

Từ khi có thai đến 13 tuần 6 ngày

– Khám lần đầu: sau trễ kinh 2-3 tuần

– Khám lần 2: lúc thai 11-13 tuần 6 ngày

1. Công thức máu.
2. Sinh hóa máu (đường huyết lúc đói).
3. Nước tiểu 10 thông số.
4. HbsAg, HIV, Rubella, CMV, Giangmai, Toxoplasma
5. Nhóm máu, Rhesus.
6. Siêu âm tim.
7. Siêu âm lần 1.
8. Siêu âm đo độ mờ da gáy (thai 12 tuần).
9. Double test (sau khi siêu âm đo độ mờ da gáy).

Từ 14 đến 28 tuần

– 4 tuần khám 1 lần

1. Công thức máu.
2. Sinh hóa máu.
3. Nước tiểu 10 thông số
4. Nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở tuổi thai 24-28 tuần.
5. Triple test: ở tuổi thai 14-21 tuần.
6. Siêu âm: siêu âm hình thái học (hoặc 3D,4D) tối thiểu 1 lần ở tuổi thai 20-25 tuần.

Từ 29 đến 40 tuần

– Tuần 29-32: khám lần 1
– Tuần 33-35: khám lần 2
– Tuần 36-40: 1 tuần khám 1 lần

1. Công thức máu
2. Sinh hóa máu
3. Nước tiểu 10 thông số (mỗi lần khám)
4. Siêu âm
– Siêu âm tối thiểu 1 lần lúc thai 32 tuần. Có thể lập lại mỗi 4 tuần.
– Siêu âm màu (thai ≥28 tuần) khi nghi ngờ thai chậm phát triển.
5. Chức năng đông máu.
6. Điện tim.
7. Siêu âm tim
9. Những xét nghiệm chuyên biệt được chỉ định theo y lệnh bác sỹ: bệnh tim, bệnh thận, tuyến giáp…

 

Ngoài ra, lần khám thai nào thai phụ cũng được theo dõi về cân nặng, đo tim mẹ, tim thai, huyết áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Kết thúc quá trình thai nghén sản phụ được giới thiệu sang Viện Đại học Y, viện Phụ sản trung ương để thực hiện sinh nở được thuận lợi nhất.

Như vậy, một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ thấp hay là cao, cần có sự hợp tác, hỗ trợ tốt giữa thầy thuốc và thai phụ để cho thai kỳ được kết thúc tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, từ đó mới có thể giảm được tỷ lệ tử vong và cho ra đời những em bé thông minh và khỏe mạnh.

Facebook Zalo phone